Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Kịch bản chương trình nghệ thuật tổng hợp


I. ĐẶT VẤN ĐÊ

Gần đây, chuyện các cô gái Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… (trong số đó, các cô gái miền Tây Nam Bộ chiếm phần lớn) thông qua hình thức môi giới hôn nhân, nhất là các đường dây môi giới bất hợp pháp đang ngày một một trở thành một vấn đề nóng bỏng. Chuyện các cô dâu nơi đất khách không tìm được hạnh phúc dường như đã trở nên quá quen đối với ai quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Bằng sự cảm thông, chia sẻ, và những bất bình, tôi xây dựng kịch bản chương trình này để nhắn gửi đến tất cả mọi người một thông điệp : hạnh phúc hôn nhân chỉ được xây dựng trên những giá trị của tình yêu chứ không phải là giá trị của đồng tiền, và chỉ tình yêu mới đem đến cho con người được sự tự trọng, được tôn trọng và được yêu thương.
Tôi nhận thấy rằng, những chú rể người nước ngoài lấy vợ Việt Nam thông qua môi giới thường có những ý nghĩ lấy vợ Việt Nam về chỉ để có vợ, và sinh con cho họ. Họ luôn lo nghĩ rằng, vợ của họ chỉ muốn lấy tiền để gửi về quê nhà, họ luôn tỏ thái độ xem thường vợ mình. Vì điều này, tôi cũng muốn khẳng định một điều, nước Việt Nam với bề dày 4000 năm văn hiến, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, và con người Việt Nam chân chất, cần cù, tự trọng, giàu tình yêu thương, sẻ chia…Chúng ta có quyền được thể hiện niềm tự hào dân tộc, niềm tự tôn là người Việt Nam và không vì bất kỳ lý do gì chúng ta để người khác chà đạp lên những điều thiêng liêng đó.
II. ĐỀ TÀI – CHỦ ĐỀ - TÊN CHƯƠNG TRÌNH
• Đề tài : Phụ nữ ngày nay.
• Chủ đề : Con gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc thông qua môi giới, một vấn đề đang được xã hội rất quan tâm.
• Tên chương trình :
III. THÀNH PHẦN TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Danh nghĩa tổ chức : khoa quản lý văn hóa và nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.
Đơn vị thực hiện : Lớp ĐH ÂN 1, khoa quản lý văn hóa và nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.
Chỉ đạo nghệ thuật : Giảng viên Trịnh Đăng Khoa.
Biên tập và dàn dựng : Lớp ĐH ÂN 1, khoa quản lý văn hóa và nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.
Biểu diễn : Lớp ĐH ÂN 1 và lớp ĐH SK 1, khoa quản lý văn hóa và nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.
IV. BỐ CỤC, THỜI LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình được bố cục gồm 3 phần, với tổng thời lượng 55 phút.
- Phần một : Quê hương tuổi thơ
- Phần hai : Hạnh phúc nơi đất khách
- Phần ba : Kết
V. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Tiết mục múa : Tự khúc ngày sinh
Biên đạo và biểu diễn : lớp ĐH ÂN 1
- Ý nghĩa : Tiết mục múa thể hiện những đau đớn khôn cùng của người mẹ khi sinh con và niềm hân hoan, hạnh phúc, cùng những ước vọng cho một con người luôn vui tươi, hạnh phúc trong tương lai.
- Ý nghĩa thể hiện :
+ Phần 1 : Không gian im lặng, không bật đèn sân khấu, có những vệt sáng nhỏ của những bóng đèn chớp nhỏ, và ánh trăng được giăng phía trên sân khấu thể hiện một đêm yên tĩnh thanh bình.
Tiếp đến nhóm múa xuất hiện trên sân khấu, tốp một với trang phục xanh thể hiện cây cỏ, tốp hai mặc trang phục giống như những chú đom đóm, tốp còn lại cũng xuất hiện với trang phục màu sắc trắng của những đóa quỳnh hé nở trong đêm.
Ánh sáng trắng chiếu thẳng vào nhóm múa
Nền nhạc nhẹ nhàng, du dương, êm đềm.
Ý nghĩa :
+ Phần 1: Diễn tả lại cảnh đêm thanh bình trước khi mẹ sinh.
+ Phần 2 : Nền nhạc bắt đầu mạnh dần đến cực mạnh thể hiện cơn đau sinh con và nhẹ dần ở cuối phần thể hiện một con người đã ra đời.
Phần 3 : Nền nhạc trong trẻo, vui tươi thể hiện niềm vui của con người và cảnh vật hân hoan chào đón đứa bé vừa mới sinh ra.
* Thủ pháp nối tiết mục : Lúc chuẩn bị kết thúc tiết mục múa, đồng thời, một bức tranh đồng lúa mênh mông, có cánh cò, cánh diều bay trong gió được vẽ trên nền lụa trắng từ từ hạ xuống từ trần sân khấu, chiếu đèn sáng dần, ánh trăng được kéo lên trần sân khấu từ từ, các ánh sáng nhỏ tượng trưng cho các ngôi sao tắt hết, sau đó một ánh mặt trời đỏ cũng được kéo lên từ sau bức tranh.
2. Tiết mục : Giấc mơ cánh cò
Sáng tác : Vũ Quốc Việt
Biểu diễn : song ca nam, nữ.
Ý nghĩa : Bài hát thể hiện những đam mê trẻ thơ, những kỷ niệm êm đềm, vui tươi, hồn nhiên cùng bạn bè trên đồng lúa mênh mông mà mãi mãi không thể quên trong lòng người con của quê hương.
* Thủ pháp nối tiết mục
Ngay sau khi bức tranh được hạ xuống, nhóm múa lui dần về phía sau bức tranh và đồng thời kết thúc tiết mục. Sau đó, intro của tiết mục “giấc mơ cánh cò” vang lên, từ trong sân khấu, hai em bé một nam, một nữ với dụng cụ vẽ trên tay đi ra, ngồi xuống, thực hiện hoạt động vẽ tranh.
* Ý tưởng thể hiện
- Ca sĩ xuất hiện cùng lời hát của mình, đứng ở một góc sân khấu, sao cho khán giả nhìn thấy rõ các hoạt động của hai em bé. Tới đoạn điệp khúc hai em bé để gọn dụng cụ vẽ lại, sau đó ngồi dựa vào nhau, nhắm mắt như ngủ. Hai người ( một nam, một nữ ) mặc trang phục như cánh cò xuất hiện để múa phụ họa.
- Hết đoạn intro, hai diễn viên múa dìu hai em bé vào trong sân khấu. Điệp khúc lần hai, hai diễn viên xuất hiện lại để múa minh họa đến hết tiết mục.
- Hai ca sĩ diễn tự nhiên, thể hiện tình cảm yêu thương một cách sâu sắc..
- Sử dụng ánh sáng trắng và hồng để thể hiện cái không gian rộng lớn, bao la của cánh đồng, cùng quạt lớn tạo gió nhẹ trên sân khấu.
* Thủ pháp nối tiết mục
Khi tiết mục kết thúc, tiếng đàn ghi ta của tiết mục tiếp theo vang lên, đồng thời ánh mặt trời cũng kéo lên trần sân khấu, lúc này hai ca sĩ tỏ vẻ quyến luyến khi chia tay nhau, và lui vào trong sân khấu.
3. Tiết mục “ với anh”
Nhạc ngoại
Lời Việt : Trần Tiến
Biểu diễn : Đơn ca nữ
Ý nghĩa : Bài hát thể hiện nỗi khát khao yêu và được yêu của người phụ nữ, trong sáng, trẻ con nhưng lại rất đàn bà. Đồng thời, bài hát còn làm rõ hơn quan điểm yêu của người phụ nữ hiện đại, đó là không những yêu bằng cả trái tim mà còn yêu bằng lý trí, muốn cùng người mình yêu xây dựng một hạnh phúc trọn vẹn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ý tưởng thể hiện :
Khi hai ca sĩ lui vào sân khấu, bức tranh được kéo lên, làm xuất hiện nhạc công ghi ta đang ngồi đánh đàn, cùng ca sĩ ngồi bên cạnh một cách trầm ngâm.
Ánh đèn rọi thẳng vào ca sĩ và nhạc công, khói được thổi tràn trên sân khấu, các tia sáng chiếu nghiêng và di chuyển liên tục, tạo một không gian huyền hoặc, mờ ảo, thể hiện những ước vọng của người phụ nữ thật xa vời.
Hát hết lần đầu, ca sĩ đứng lên để thay đổi hình thức biểu diễn, đồng thời truyền đạt cảm xúc bài hát quyết liệt hơn, truyền cảm hơn.
* Thủ pháp nối tiết mục
Khi chuẩn bị kết thúc ca khúc, ca sĩ quay trở lại ngồi cạnh nhạc công ghi ta (ca sĩ và nhạc công là diễn viên đóng tiết mục kịch tiếp theo). Ánh sáng tối dần và tắt hẳn tất cả các đèn khi tiết mục kết thúc. Một diễn viên kịch trong vai mẹ cầm đèn đi gọi con gái vào ngủ vì trời đã khuya, sau đó ca sĩ nữ và nhạc công chạy đến bên người mẹ, để tiết mục kịch đc tiếp nối liên tục.
4. Tiết mục kịch “
Kịch bản và dàn dựng : lớp ĐH SK 1, khoa quản lý văn hóa và nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.
Biểu diễn : lớp ĐH. ÂN 1 và ĐH SK 1, khoa quản lý văn hóa và nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.
Bao gồm ba phần:
+ Phần 1: cảnh đêm
+ Phần 2: Bức tranh lụa về cánh đồng quê lại được đưa xuống, tượng trưng cho việc báo hiệu một ngày mới lại về trên quê hương.
+ Phần 3: Dứt tình
Ý nghĩa : ……..nói về một gia đình nghèo, nợ bà mối duyên một số tiền lớn không thể trả nổi. Cuối cùng, cô con gái lớn trong gia đình vì thương mẹ, thương các em nên đã từ bỏ mối duyên tình đẹp đẽ đã xây đắp từ thuở ấu thơ mà nhờ bà mối duyên giúp mình lấy chồng Đài Loan, nguyện mong sẽ có tiền để trả nợ cho gia đình.
* Thủ pháp nối tiết mục
Tiết mục kịch kết thúc bằng cảnh cô gái từ giã chàng trai. Chàng trai bước theo vài bước nuối tiếc, rồi chạy theo cố níu giữ.
5. Tiết mục “đón dâu”
Sáng tác : Minh Vy
Biểu diễn : đơn ca nữ - nhóm múa minh họa
Ý nghĩa : Bài hát phản ánh chuyện những cô gái trẻ chấp nhận làm dâu nơi xứ người mà không cần đến tình yêu chân chính, chỉ nguyện mong tìm được một cánh cửa đc mở giúp bản thân đổi đời và có thể chăm lo cho gia đình nơi quê nghèo. Nhưng kết quả lại không như mong đợi, hạnh phúc nơi xứ lạ mờ ảo như sương gió và cuộc sống thì bị đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần.
* Thủ pháp nối tiết mục
Khi cô gái quay đi, nhạc vang lên, chàng trai vào theo cùng hướng với cô gái. Ca sĩ xuất hiện cùng với lời hát.
Ý tưởng thể hiện :
Hai em bé cùng hai diễn viên trong vai mẹ, cô gái đi ra ngồi quây quần bên một rổ khoai, nói chuyện thật vui vẻ. Hết một nửa bài hát, bà mối duyên cùng một người đàn ông bước ra, để đón cô gái đi.
Tiếp theo là cảnh người mẹ cùng hai con đưa tiễn con gái trong nước mắt, quyến luyến không muốn xa.
Khi nhân vật bà mối duyên, người đàn ông nước ngoài và cô gái đi vào cánh gà sân khấu cũng là lúc ca sĩ hát xong một lần toàn bài hát. Lúc này nhạc intro thay đổi, từ nhẹ nhàng, trầm lắng chuyển sang dữ dội, mạnh mẽ như sóng cuộn ào ào. Đoạn nhạc intro này ( kéo dài 2 phút ) được dựng múa để tái hiện những nỗi đau đớn thống khổ của cô gái khi làm dâu nơi xứ người xa lạ, với dàn diễn viên là một nữ ( ca sĩ ) và bốn nam. Ánh sáng nhiều màu, chớp nháy liên tục, các tia sáng đỏ và đen lia qua, lia lại để khắc họa rõ hơn những tăm tối mà cô gái phải gánh chịu nơi xứ người.
Hết đoạn intro, nam vẫn múa phụ họa, ca sĩ hát lại đoạn điệp khúc với nền nhạc mạnh mẽ hơn.
Kết thúc bài hát, ca sĩ quay lưng chậm rãi đi vào bên trong sân khấu, khói được thổi tràn lên sân khấu, ánh sáng mờ mờ, ảo ảo để làm hình ảnh ca sĩ quay đi về phía sân khấu trở nên huyền ảo hơn.Ngay lúc đó, nam ca sĩ hát tiết mục tiếp theo bước ra như đang đuổi theo và tìm kiếm người yêu của mình mà anh như vừa nhìn thấy.
6. Tiết mục “ quê nhà”
Sáng tác : Trần Tiến
Biễu diễn : đơn ca nam
Ý nghĩa : Bài hát là nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình da diết của một người con xa quê hương và cũng là nỗi niềm thương nhớ người yêu đã đi lấy chồng của một người con trai. Tình yêu của chàng trai đối với cô gái gắn liền với tình yêu quê hương, thủy chung, son sắt.
Ý tưởng thể hiện : Bài hát được phối khí nhẹ nhàng, thể hiện nỗi nhớ da diết, và buồn thảm của người ở lại quê hương nhung nhớ một hình ảnh đã xa.
* Thủ pháp nối tiết mục
Kết thúc bài hát, giọng hát của một cô gái cất lên : “Ơi quê hương ta bánh đa đúc, một chiều bưng bát cơm quê, rưng rưng ta hát giọng quê dãi dầm ...”
Nhạc lại vang lên, chàng trai xoay quanh tìm kiếm và đi vào trong sân khấu với vẻ đi tìm kiếm cô gái một cách tự nhiên.
7. Tiết mục “về quê”
Sáng tác : Phó Đức Phương
Biểu diễn : song ca nam, nữ và nhóm múa minh họa.
Ý nghĩa : Bài hát thể hiện tình yêu thương và lòng tự hào về quê cha, xứ mẹ, mặc dù nghèo nhưng luôn luôn tràn ngập tình yêu thương. Bài hát khẳng định một điều rằng, dù đi đâu về đâu thì quê hương vẫn là mái ấm tình thương, luôn chở che, an ủi ta trong mọi nỗi đau mất mát. Đó là bến bờ để mỗi con người sẽ lại tìm về khi thèm khát sự bình yên trong cuộc sống.
* Thủ pháp nối tiết mục
Khi ca sĩ hát bài “quê nhà” đi vào phía trong sân khấu, nhóm múa xuất di chuyển ra cùng với hai ca sĩ.
Ý tưởng thể hiện : Nhạc nền bài hát được phối khí vui tươi, trong sáng.


THE END

Không có nhận xét nào: