Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VỐN TÀI LIỆU THƯ VIỆN TỈNH ĐĂK NÔNG - 2007

LỜI MỞ ĐẦU:

Ngày nay đất nước ta đang trên đà phát triển về mọi mặt từ kinh tế, chính trị cho đến văn hoá – xã hội…Đất nước đã đổi mới, nền kinh tế đã đi vào công nghiệp hoá hiện đại hoá với mức tăng trưởng GDP hàng năm là trên 7,5 %. Chúng ta đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức Liên Hợp Quốc từ đó mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Nói đến sự nghiệp văn hoá trên đà phát triển của Đất nước thì Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao sự nghiệp văn hoá lên hàng đầu, trong đó sự nghiệp thư viện đóng vai trò quan trọng. Góp phần xây dựng được một nền văn hoá Việt Nam: “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Việc phát triển thư viện sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với tầm quan trọng của sự nghiệp Thư viện, Tôi xây dựng chính sách này với mong muốn giúp cho sự nghiệp Thư viện tại địa phương Tôi sẽ đáp ứng được tốt nhất nhu cầu văn hoá tinh thần ngày càng cao của người dân để con người Việt Nam ngày càng phát triển và đất nước Việt Nam ngày càng tiến lên hơn nữa.
Với tầm nhìn có hạn, do đó bài viết này khó tránh khỏi những sai sót rất mong quý Thầy cô sẽ có những đóng góp để Tôi rút kinh nghiệm cho những bài viết lần sau được hoàn thiện hơn.

Phần I: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA PHƯƠNG VÀ HIỆN TRẠNG THƯ VIỆN TỈNH ĐĂK NÔNG.
Tỉnh Đăk Nông được tách ra từ tỉnh Đăk Lắk cũ từ năm 2004, với diện tích: 6.514,38 km2, dân số: 385.800 ( 2005 ).
I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA PHƯƠNG: Cũng như các tỉnh khác ở vùng Tây Nguyên, Đăk Nông có nhiều thành phần dân tộc, như: Việt (Kinh), M’Nông, Êđê, Nùng, Tày, …
Gia Nghĩa là Thị xã tỉnh lỵ tỉnh Đắc Nông. Thị xã Gia Nghĩa được thành lập theo Nghị định số 82/2005/NĐ – CP ngày 27 tháng 06 năm 2005 của Chính phủ Việt Nam.
Thị xã Gia Nghĩa có diện tích 286,64 km2. Có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các Phường Nghĩa Thành, Nghĩa Đức, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân, Nghĩa Trung, và các xã Đắc R’Moan, Quảng Thành, Đắc Nia.
Về dân số: Thị xã Gia Nghĩa với dân số là 45.559 người (tháng 06 năm 2005). Dân số chủ yếu là người Kinh chiếm tới 90 %. Về tôn giáo: có hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công Giáo. Dân số Thị xã hầu hết là dân di cư từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung do đó đã tạo nên những nét văn hoá đa dạng và phong phú cho Thị xã.
Về kinh tế: Kinh tế chủ yếu là trồng cây công nghiệp lâu năm như: càfê, tiêu, điều… Năm 2005 GDP bình quân đầu người là 1000$. Tỉ trọng công nghiệp chiếm 20,8 % GDP năm 2005 từ 6,9 % năm 2000 (trước khi tách tỉnh), dịch vụ tăng lên 28,4 % từ 14,2 %. Trong khi đó nông nghiệp giảm xuống 57,8 % từ 78,9 %. Nơi đây cũng bắt đầu xuất hiện nhiều nhà máy chế biến nông sản đóng trên địa bàn.
Về văn hoá – giáo dục: Nét đặc sắc của Đắc Nông nói chung và Thị xã Gia Nghĩa nói riêng có lẽ phần nào là rất nhiều của Đắc Lắc do một thời gian dài Tỉnh này là một khu vực của tỉnh Đăk Lắk.
Là một Thị xã và cũng là trung tâm của Tỉnh vì thế nơi đây thường xuyên diễn ra các phong trào văn hoá, đặc biệt phong trào xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá, bài trừ các tệ nạn xã hội được phát động khắp nơi, được quần chúng nhân dân hưởng ứng và thực hiện đạt được nhiều kết quả cao..
II. HIỆN TRẠNG THƯ VIỆN TỈNH ĐĂK NÔNG.
Thư viện tỉnh Đăk Nông được thành lập vào năm 2004, trước đây nó là Thư viện huyện Đăk Nông, thuộc địa phận tỉnh Đăk Lăk, và là một bộ phận trong thiết chế Văn hóa của trung tâm văn hóa huyện Đăk Nông, (nay là trung tâm Văn hóa tỉnh Đăk Nông). Hiện tại trụ sở làm việc tạm thời đặt tại trung tâm thị xã Gia Nghĩa và đề án xây dựng Thư viện mới vẫn được đặt ở thị xã Gia Nghĩa.
Đăk Nông trước kia khi còn thuộc địa phận của tỉnh Đắc Lắk và chưa được tách Sau khi tách ra thành Tỉnh Đắc Nông vào năm 2004 thì đến ngày 27/06/2005 Gia Nghĩa mới được nâng lên thành Thị xã tỉnh lỵ của Tỉnh Đắk Nông. Chính vì thế, cơ sở vật chất trụ sở ra thì Thị xã Gia Nghĩa chỉ là một thị trấn của Huyện Đắk Nông thuộc Tỉnh Đắc Lắk. làm việc của các cơ quan hầu hết vẫn là tạm bợ hoặc sử dụng lại địa điểm cũ đã xuống cấp và nhỏ bé và Trung tâm Thông tin – Thư viện của tỉnh cũng không nằm ngoài điều đó.
Là Thư viện của một tỉnh mới tách, Thư viện tỉnh Đăk Nông, sau 4 năm thành lập đến nay vẫn chưa có chính sách phát triển vốn tài liệu, bên cạnh đó tồn tại rất nhiều yếu kém vẫn chưa khắc phục được, cụ thể như sau:
1. Thực trạng vốn tài liệu và mức độ đáp ứng nhu cầu của người dùng tin.
a. Thực trạng vốn tài liệu:
Hiện tại, Thư viện tỉnh Đăk Nông có tổng số 47.955 tài liệu. Trong đó, có 38.489 cuốn sách với 13.163 tên sách, 9.366 báo, tạp chí, và 100 đĩa CD.
Nội dung chủ yếu của các tài liệu là khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, văn học, sách thiếu nhi, …Cụ thể như sau:
+ Khoa học xã hội: 13.856 cuốn, với 4.618 tên sách.
+ Khoa học tự nhiên: 6.158 cuốn, với 2.052 tên sách.
+ Văn học: 13.086 cuốn, với 4.526 tên sách.
+ Thiếu nhi: 3.848 cuốn, với 1.282 tên sách.
+ Nội dung khác: 1.541 cuốn, với 685 tên sách.
+ Tài liệu tiếng nước ngoài có 1.154 cuốn, với 372 tên sách.
+ Tài liệu tiếng Việt có 37.335 cuốn, với 12.791 tên sách.
100 đĩa CD có trong thư viện không phải là do thư viện bổ sung, mà là có được từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Atlantic Philanthropies tài trợ và các nguồn khác trong nước.
Nhìn chung, chất lượng của các tài liệu được đảm bảo cả về hình thức và nội dung.
b. Mức độ đáp ứng nhu cầu của người dùng tin.
Với số lượng tài liệu đang có, Thư viện tỉnh Đăk Nông vẫn chưa đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu của người dùng tin. Vì nhu cầu của người dùng rất phong phú và đa dạng, đôi khi những yêu cầu của người dùng tin về những tài liệu mà thư viện không có hoặc có những yêu cầu muốn cán bộ thư viện mang tài liệu đến phục vụ tận nhà cho người dùng tin đã cao tuổi, rất khó khăn trong việc đi lại nhưng do số lượng cán bộ có hạn nên thư viện vẫn chưa đáp ứng được.
Vì là Thư viện của một tỉnh mới thành lập, còn trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, nên Thư viện tỉnh Đăk Nông vẫn chưa có hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ nhu cầu tìm tin của người dùng. Đồng thời, 100 đĩa CD mà thư viện đang có vẫn chưa thể mang ra để phục vụ.
2. Cơ sở vật chất kỹ thuật: Đăk Nông là một tỉnh mới thành lập nên nguồn Nhân lực, cũng như trang thiết bị, cơ sở vật chất của tỉnh vẫn chưa hoàn thiện, thực tế là các cơ quan hành chính, trung tâm văn hóa, giáo dục vẫn đang trong quá trình quy hoạch chuẩn bị xây dựng, hoặc đang xây dựng. Thư viện tỉnh Đăk Nông cũng không nằm ngoài điều đó.
Trung tâm Thông tin – Thư viện của tỉnh Đăk Nông hiện nay chưa có trụ sở chính thức,việc xây dựng trụ sở vẫn còn là đề án chưa được thực thi, trụ sở làm việc hiện tại của Trung tâm là mượn lại trụ sở của Ủy ban Kiểm Tra ( tầng I – 3 phòng ). Đây cũng chỉ là nơi để chứa sách và cũng là điểm để các cán bộ Thư viện xử lý nghiệp vụ chuyên môn, mỗi phòng diện tích khoảng 18m2 . Còn địa điểm để bạn đọc lui tới thỏa mãn nhu cầu đọc của mình, lại là một phòng nhỏ không quá 40m2 của Trung tâm Văn hóa tỉnh (Trung tâm Văn hóa chỉ là một khu nhà cấp bốn, trụ sở mới vẫn đang xây dựng ), bao gồm cả kho sách và không gian đọc. Chưa có máy vi tính để phục vụ bạn đọc tìm tin, bàn làm việc của thủ thư chỉ là một bàn nhỏ dài 1m, có một máy vi tính, công dụng của nó để nhập những thông tin về các bạn đọc mượn tài liệu mang về nhà. Trong phòng đọc chỉ có một dãy bàn dài hơn 3m là điểm để bạn đọc ngồi đọc. Ngoài ra, Thư viện còn được trang bị hai máy vi tính nữa, một máy đặt tại phòng làm việc của giám đốc, và là phòng làm việc của kế toán. Máy còn lại đặt trong phòng nghiệp vụ với mục đích đăng ký vốn tài liệu. Do không gian quá chật hẹp nên phòng chứa sách, cũng như kho sách phục vụ bạn đọc được sắp xếp rất lộn xộn. Sách ở phòng đọc được sắp xếp theo số đăng ký cá biệt và kín hết tất cả mọi giá.
Hiện tại, Thư viện vẫn chưa có tủ mục lục, tất cả chỉ còn trong quá trình thực hiện. Bạn đọc tìm sách cần mượn thông qua các danh mục sách được in sẵn. Có hai hình thức mượn, đó là mượn về nhà và mượn đọc tại chỗ. Muốn mượn về nhà bạn đọc phải cược lại cho thư viện số tiền cược bằng 200% giá trị cuốn sách.
Một vấn đề nữa về cơ sở vật chất kỹ thuật của Thư viện tỉnh Đăk Nông là thiết bị khai thác tài liệu rất hạn chế. Thư viện chọn tài liệu bổ sung chỉ dựa vào danh mục sách của các nhà xuất bản và các nhà sách gửi đến cho Thư viện chứ cán bộ Thư viện không hề đi xem xét khảo sát thực tế. Mọi giao dịch mua bán sách đều thông qua bưu chính viễn thông và ngân hàng. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của tài liệu.
3. Đội ngũ cán bộ thư viện:
Số lượng cán bộ làm việc ở Thư viện tỉnh Đăk Nông hiện tại có 8 cán bộ (kể cả kế toán ). Trong đó, có hai cán bộ là đã có nhiều năm công tác trong nghành, còn lại là các cán bộ trẻ mới ra trường. Có 4 cán bộ trình độ Trung cấp, 3 cán bộ trình độ Cao đẳng, và một cán bộ trình độ Đại học. Do nguồn nhân lực còn thiếu nên cán bộ kế toán cũng làm nhiệm vụ của một cán bộ Thư viện. Tuy nhiên, số tài liệu có trong Thư viện đều được các cán bộ xử lý hết. Nhưng vì trụ sở, trang thiết bị còn yếu kém nên tài liệu chưa được đưa qua phòng đọc, xếp lên giá để phục vụ bạn đọc.
Cán bộ trong Thư viện, ngoài hai thủ thư làm việc tại phòng đọc, còn những cán bộ khác vẫn chưa có sự phân công công việc một cách khoa học, Thư viện không có cán bộ chuyên làm nhiệm vụ bổ sung vốn tài liệu hay xử lý tài liệu,… mà các cán bộ trong Thư viện ai cũng có thể làm nhiệm vụ này hoặc nhiệm vụ khác nếu việc đó chưa ai làm. Điều này, làm cho hiệu quả công việc bị giảm sút và thiếu sự chặt chẽ do chưa xác định rõ ai đang làm nhiệm vụ cụ thể gì. Và một vấn đề nữa là với số lượng người dùng tin đến Thư viện, không gian làm việc ở Thư viện, việc bố trí đến 2 thủ thư là không hợp lý, nó quá nhiều so với mặt bằng chung của Thư viện.
4. Người dùng tin: Thư viện tỉnh Đăk Nông nằm ngay trung tâm thị xã Gia Nghĩa, là Thị xã tỉnh lỵ tỉnh Đắc Nông, là trung tâm Văn hóa lớn nhất của tỉnh. So với các vùng khác trong toàn tỉnh, Gia Nghĩa là nơi tập trung nhiều cán bộ công chức, nhiều trường học, và đặc biệt người dân có đời sống kinh tế ổn định, mức thu nhập cao và dân số ngày càng tăng, tập trung đông hơn nữa. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở đây chủ yếu sống dựa vào trồng cây công nghiệp ( cà phê, điều, …), sáng vào rẫy từ sớm, tối mịt mới về. Nhu cầu dùng thư viện của người dân rất ít, họ ít chú ý đến việc đọc sách để cải thiện kỹ thuật trồng trọt hoặc giải trí. Bởi lẽ, người dân sản xuất hầu như dựa vào kinh nghiệm. Theo điều tra, 100 phiếu phát ra rải rác, thu lại 62 phiếu thì chỉ có 13 người là có dành thời gian đến Thư viện, họ là cán bộ công nhân viên chức và học sinh, 13 người biết đến Thư viện nhưng chưa đến,chủ yếu là những người ở khu vực gần Thư viện, số còn lại thì không hề biết rằng trong địa phương có Thư viện.
Người dùng tin đến Thư viện chủ yếu là cán bộ công nhân viên chức, và học sinh. Bình thường học sinh đến cũng không nhiều, chỉ dịp vào hè là đông nhất. Mỗi ngày trung bình không quá 30 lượt người đến Thư viện. Bạn đọc đến với Thư viện chủ yếu với mục đích giải trí và học tập ( đối với học sinh ). Người dân tại Thị xã Gia Nghĩa nói riêng và tỉnh Đăk Nông nói chung, trong những năm qua luôn quan tâm đến các hoạt động văn hoá, các loại hình học tập, vui chơi cho con em mình và cho con em mình đến tham gia. Chính vì thế việc phát triển sự nghiệp Thư viện nói chung, vốn tài liệu nói riêng là một hướng đi đúng.
Khi đời sống vật chất được nâng cao, người dân không còn phải lo đến cái ăn cái mặc nữa thì con em được đến trường và đi học đầy đủ, trình độ học vấn ngày càng tăng lên. Toàn Thị xã đã phổ cập xong bậc Tiểu học và hướng tới 100 % phổ cập bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Trên Thị xã có rất nhiều gia đình có con em đang đi học Cao Đẳng, Đại học
5. Kinh phí:
Kinh phí để Thư viện hoạt động do nhà nước cấp, có hai nguồn:
+ Nguồn chi dự toán thường xuyên là: 250 triệu / năm.
+ Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa là: 140 triệu / năm. Trong đó, 60 triệu dùng để bổ sung cho cơ sở ( các thư viện huyện ), mỗi năm thực hiện một lần.
Bốn năm qua, Thư viện tỉnh Đăk Nông chưa hề có một chương trình, hay một cuộc phát động nào để có thêm nguồn thu kinh phí cho Thư viện hoạt động.
6. Thị trường tài liệu:
Hiện nay trên cả nước có 64 nhà xuất bản và hàng trăm nhà sách, số lượng nhà sách ngày càng tăng lên.
Thư viện tỉnh Đăk Nông thường lấy sách từ nhà xuất bản Trẻ, nhà xuất bản Phụ Nữ, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, nhà sách Thăng Long, công ty phát hành sách Văn Hóa Việt, … Tài liệu của các nhà xuất bản và nhà sách này có chất lượng và tương đối phù hợp với nhu cầu của Thư viện, cũng như đáp ứng được yêu cầu của người đọc.
Thị trường tài liệu hiện nay càng ngày càng đa dạng và phức tạp, thế nhưng Thư viện vẫn trung thành với cách thức bổ sung vốn tài liệu là xem danh mục sách do các Nhà xuất bản, các công ty phát hành sách gửi về và chọn mua sách căn cứ vào nhan đề của sách. Việc chọn tài liệu bổ sung như thế này rõ ràng là rất bất hợp lý, nó có sự ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng về hình thức và nội dung của tài liệu, từ đó ảnh hưởng đến mức độ đáp ứng nhu cầu của người dùng tin.
Tóm lại, Trung tâm Thông tin – Thư viện tỉnh Đăk Nông còn quá nhiều yếu kém và cần thiết phải có chính sách phát triển hợp lý mới mong đáp ứng đựơc nhu cầu tin của nhân dân, đồng thời bắt kịp đà phát triển chung của đất nước.
II. NHẬN XÉT SO SÁNH
Mặc dù có nhiều khó khăn, yếu kém như nguồn nhân lực thiếu thốn, trụ sở còn nhỏ hẹp, thiếu phòng ban, người dùng tin còn ít biết đến, nhưng trong thời gian qua Trung tâm Thông tin – Thư viện tỉnh Đăk Nông đã góp phần thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tuyên truyền chính sách và pháp luật tới nhân dân. Đáp ứng được một phần nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của nhân dân trên địa bàn. Dù diện tích nhỏ hẹp, bị hạn chế về khoảng cách giữa nơi xử lý nghiệp vụ và nơi phục vụ người dùng tin nhưng Trung tâm vẫn luôn hoạt động đều đặn và đáp ứng nhu cầu của người dùng tin.
Trình độ cán bộ của Trung tâm hiện nay đang dần được hoàn thiện với việc Trung tâm cử cán bộ đi học các lớp đào tạo tại chức, đồng thời quan tâm tới những người trẻ tuổi được đi học nghành Thông tin – Thư viện.
So sánh với các Trung tâm Thông tin – Thư viện của các tỉnh lân cận thì Trung tâm Thông tin – Thư viện tỉnh Đăk Nông còn yếu kém về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề bổ sung tài liệu, nhưng lại có nhiều điều kiện phát trển mạnh như là nơi tập trung nhiều cán bộ công nhân viên chức, trường học, trình độ nhận thức của người dân ngày càng cao và đặc biệt người dân có đời sống kinh tế ổn định, mức thu nhập cao và dân số ngày càng tăng, tập trung đông hơn nữa. Chính vì thế việc xây dựng chính sách phát triển vốn tài liệu, góp phần xây dựng Trung tâm ngày một phát triển hơn mới là hết sức cần thiết và cần có tầm cho tương lai.
Phần II: XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VỐN TÀI LIỆU CHO THƯ VIỆN TỈNH ĐĂK NÔNG.
Lĩnh vực Thư viện là lĩnh vực đa dạng và phức tạp, mọi hoạt động của Thư viện đều nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện mọi mặt về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức…
Theo yêu cầu về chiến lược của Nhà nước thì đến năm 2010 chúng ta phải đạt mức hưởng thụ bình quân đầu người như sau: 10 bản báo cáo / người / năm, 5 bản sách / người / năm, 60 % người dân xem phim truyện Việt Nam, 30 % đến 40 % người dân sử dụng Internet.
Những chỉ tiêu trên, hiện tại Thư viện tỉnh Đăk Nông vẫn chưa đạt tới, cần phải có chính sách để đạt tới và cần phải nâng cao các chỉ tiêu ấy trong thời gian tiếp theo.
Một Thư viện phải có chính sách phát triển để đảm bảo sự phát triển của Thư viện một cách cân đối với các nghành nghề khác, các yếu tố tạo nên Thư viện, và giữa các hệ thống Thư viện; Đảm bảo sự phát triển một cách hợp lý và bền vững, đó là không có sự lãng phí và đảm bảo sự phát triển thường xuyên
I. VAI TRÒ CỦA VỐN TÀI LIỆU
Vốn tài liệu là cơ sở hoạt động của Trung tâm Thông tin – Thư viện, là một trong những tiêu chí để xếp hạng Thư viện. Nó không những là nhân tố hàng đầu mà còn là nhân tố quyết định đến Thư viện.
Vốn tài liệu là cơ sở để Thư viện thực hiện chức năng xã hội, Thư viện có bốn chức năng:
+ Chức năng văn hóa: Thể hiện ở khía cạnh lưu trữ, và luân chuyển tài liệu.
+ Chức năng giáo dục: Thỏa mãn nhu cầu tự học, tự nghiên cứu thông qua việc phục vụ tài liệu, đào tạo người dùng tin.
+ Thỏa mãn nhu cầu dùng tin cho người dùng tin, tạo ra sản phẩm đơn vị thông tin, còn thông qua triển lãm, trưng bày, báo cáo chuyên đề,…
+ Chức năng giải trí: Thỏa mãn nhu cầu thông qua việc phục vụ tài liệu.
II. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VỐN TÀI LIỆU CỦA THƯ VIỆN TỈNH ĐĂK NÔNG TỪ 2010 ĐẾN 2015.
Xây dựng chính sách phát triển vốn tài liệu là một văn bản tập hợp một cách có hệ thống những nguyên tắc, tiêu chí cho toàn bộ hoạt động xây dựng vốn tài liệu trong cơ quan Thông tin – Thư viện. Do đó ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách chúng ta phải chú trọng đến những nguyên tắc và tiêu chí của nó.
Thị xã Gia Nghĩa mặc dù mới được thành lập vào năm 2005 dân số không đông nhưng trong tương lai không xa nơi đây sẽ là nơi tập trung đông dân cư, nhiều nhà máy, khu công nghiệp cùng với việc xây dựng một trường Cao đẳng của tỉnh tại địa bàn sẽ làm cho hoạt động nghiên cứu, học tập và vui chơi giải trí ở nơi đây diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu tin của người dân sẽ tăng cao. Đồng thời Thị xã còn là trung tâm của Tỉnh do đó sẽ thu hút được nhiều người dân ở các Huyện lân cận đến thưởng thức văn hoá và sinh hoạt học tập tại Trung tâm. Do đó, việc xây dựng chính sách phải hết sức chú ý đến những vấn đề trên. Tuy nhiên, cũng không nên xây dựng nhiều chỉ tiêu ngay một lúc sẽ gây nên tốn kém, lãng phí mà ta cần chia ra các hạng mục và xây dựng trước những gì cần thiết. Việc xin cấp kinh phí sẽ xin luôn một lúc nhưng khi xây dựng thì phân ra từng giai đoạn, từng hạng mục. Đồng thời, cần có những hoạt động khác để có nguồn thu kinh phí hoạt động ngoài nguồn cấp của nhà nước, và đó cũng là quỹ để xây dựng Thư viện sau này cũng như phát triển mức độ và quy mô phục vụ của Thư viện.
Chính sách này bao gồm các hạng mục phân loại theo nội dung, và ngôn ngữ như sau:
 Phân Theo Nội Dung:
+ Tin học.
+ Triết học, tôn giáo, khoa học xã hội:
+ Ngôn ngữ.
+ Khoa học tự nhiên, toán học:
+ Công nghệ
+ Y học
+ Nông nghiệp:
+ Nghệ thuật
+ Văn học
+ Lịch sử
+ Địa lý
+ Tài liệu có nội dung khác
 Phân Theo Ngôn Ngữ:
+ Tiếng Việt
+ Tiếng Anh
+ Các thứ tiếng khác
Xin soạn thảo nội dung chính sách phát triển vốn tài liệu 2010 – 2015 như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển vốn tài liệu của thư viện cả về số lượng và chất lượng, sớm đưa tình hình thư viện thoát khỏi những yếu kém, đẩy mạnh phục vụ nhu cầu của người dùng tin một cách có hiệu quả cao nhất.
2. Các chỉ tiêu định hướng về phát triển vốn tài liệu.
a. Chỉ tiêu: Số lượng tài liệu trong thư viện đến năm 2015 là 140.000 tài liệu, với 33.500 tên tài liệu.
Trong đó, 92.472 bản sách với 10.000 tên sách, 46.928 báo, tạp chí với , và 600 tài liệu đa phương tiện với 120 tên.
* Chỉ tiêu tài liệu phân loại theo nội dung:
+ Tin học: 11.000 bản sách, 3500 báo tạp chí, 40 tài liệu đa phương tiện.
Nội dung của tài liệu tin học ngắn gọn, chính xác, dể hiểu, có hình minh họa. Thường xuyên có sự cập nhật tài liệu mới vì mảng nội dung này luôn có sự đổi mới, phát triển.
+ Triết học, tôn giáo, khoa học xã hội:13.950 bản sách, 7.039 báo, tạp chí, 90 tài liệu đa phương tiện.
Nội dung của tài liệu này phải có giá trị khoa học, giá trị tư tưởng, và phù hợp với nhu cầu của thư viện.
+ Ngôn ngữ: 8000 bản sách, 100 báo, tạp chí, 60 tài liệu đa phương tiện. Nội dung phải chính xác, rõ ràng, dẽ sử dụng, đáp ứng được nhu cầu của người dùng tin.
+ Khoa học tự nhiên, toán học: 13.000 bản sách, 7.039 báo, tạp chí, 90 tài liệu đa phương tiện. Nội dung của tài liệu này phải có giá trị khoa học, giá trị tư tưởng, dễ hiểu và phù hợp với nhu cầu của thư viện.
+ Công nghệ: 7000 bản sách, 4.692 báo, tạp chí, 60 tài liệu đa phương tiện. Nội dung của tài liệu tin học ngắn gọn, chính xác, dể hiểu, có hình minh họa. Thường xuyên có sự cập nhật tài liệu mới vì mảng nội dung này luôn có sự đổi mới, phát triển.
+ Y học: 5.000 bản sách, 2.815 báo, tạp chí, 36 tài liệu đa phương tiện. Nội dung chính xác, dễ hiểu, có ảnh minh họa.
+ Nông nghiệp: 6.000 bản sách, 3.284 báo, tạp chí, 10 tài liệu đa phương tiện. Nội dung tài liệu chính xác, dễ hiểu.
+ Nghệ thuật: 5.580 bản sách, 2.815 báo, tạp chí, 80 tài liệu đa phương tiện. Nội dung lành mạnh, có giá trị nghiên cứu, nghệ thuật.
+ Văn học : 5.550 bản sách, 2.815 báo, tạp chí,12 tài liệu đa phương tiện. Nội dung lành mạnh, có giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn,…
+ Lịch sử: 9.300 bản sách, 4.692 báo, tạp chí, 60 tài liệu đa phương tiện. Nội dung rõ ràng, phản ánh sự thật chính xác, dễ nhớ, dễ hiểu, có ảnh minh họa.
+ Địa lý: 6.500 bản sách, 3.284 báo, tạp chí, 8 tài liệu đa phương tiện. Nội dung chính xác, đúng sự thật, có ảnh minh họa. Luôn luôn cập nhật cái mới.
+ Tài liệu có nội dung khác: 1.592 bản sách, 4.953 báo, tạp chí, 54 tài liệu đa phương tiện.
Tóm lại, nội dung tài liệu yêu cầu phải có giá trị tư tưởng và giá trị khoa học, phù hợp với nhu cầu của thư viện, của người dùng tin, và có khả năng nhân bản cao.
* Chỉ tiêu tài liệu phân loại theo ngôn ngữ:
+ Tiếng Việt: 89.589 bản sách, 45.052 báo, tạp chí, 528 tài liệu đa phương tiện.
+ Tiếng Anh: 2.790 bản sách, 1.407 báo, tạp chí, 60 tài liệu đa phương tiện.
+ Các thứ tiếng khác: 93 bản sách, 469 báo, tạp chí, 12 tài liệu đa phương tiện
b. Chỉ tiêu tính số người đọc trên mỗi bản tài liệu: 4 người dùng tin/tài liệu.
3. Nguồn cung cấp tài liệu: có hai nguồn chủ yếu:
+ Từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và Atlantic Philanthropies tài trợ.
+ Mua của các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách.
Trước khi bổ sung tài liệu cho Thư viện, cần phải khảo sát thị trường trước. Không những căn cứ vào danh mục tài liệu mà các nhà xuất bản và các công ty phát hành sách gửi về mà cần phải tìm hiểu thêm thị trường tài liệu trên mạng và trực tiếp đến các nhà xuất bản, các công ty phát hành để được khảo sát trực tiếp. Từ đó, có những lựa chọn tài liêu đúng đắn, có chất lượng và phù hợp với người dùng tin.
+ Ngoài ra, cần tìm thêm các nguồn cung cấp tài liệu từ các hoạt động như: đi xin sách của các cá nhân, đoàn thể, …
4. Kinh phí: Ước tính khoảng 4 tỷ đồng, huy động bằng cách:
+ Từ nguồn cấp của nhà nước.
+ Từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
+ Từ việc huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp kinh doanh sách, báo.
+ Ngoài ra, còn tổ chức phát động nhiều cuộc quyên góp, các chương trình gây thêm quỹ.
III. NHỮNG BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH.
Không nóng vội, trước hết cần chú trọng giải quyết những yếu kém của thư viện
+ Gấp rút thực thi dự án xây dựng trung tâm Thông tin – Thư viện. Để công việc được diễn ra tốt và dự án sớm được hoàn thành xin đề nghị cho đấu thầu dự án.
+ Bổ sung thêm nguồn nhân lực, để thực hiện chuyên môn hóa trong công tác Thư viện. Thư viện cần có hai cán bộ thư viện chuyên làm nhiệm vụ bổ sung vốn tài liệu, các khâu khác cũng cần có sự chuyên môn hóa như vậy.
+ Trang bị cơ sở máy móc, trang thiết bị để phục vụ công tác bổ sung của cán bộ Thư viện, cũng như trang thiết bị phục vụ bạn đọc, hoặc xử lý nghiệp vụ, …
+ Gấp rút hoàn thành tủ mục lục để phục vụ cho nhu cầu tìm tin của người dùng tin một cách tốt hơn.
+ Hằng năm, Thư viện cần có sự trích nguồn kinh phí hoạt động để dùng trong việc cho cán bộ bổ sung đi khảo sát, tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, việc này cần có những quy tắc, cũng như quy định phù hợp và chặt chẽ.
+ Với tình hình hiện tại của Thư viện, cần điều chỉnh lại số lượng cán bộ làm bên phòng phục vụ bạn đọc. Tùy theo những hoàn cảnh, tình hình của Thư viện trong những giai đoạn sau nữa, có thể thay đổi lại cho phù hợp.
+ Đề nghị Thư viện phải cho từ 2 – 3 cán bộ thư viện đi học thêm để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thư viện.
+ Cần tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, nhằm tuyên truyền cho người dân trong địa bàn biết về hoạt động của Thư viện, như: chương trình quyên góp sách, chương trình gây quỹ hoạt động,...Đồng thời, có thêm nguồn thu kinh phí cho Thư viện hoạt động.
+ Hằng năm, phải có hoạt động khảo sát, điều tra nhu cầu của người dùng tin bằng các phiếu điều tra, hoặc thẩm vấn trực tiếp,…để Thư viện có những cơ sở để điều chỉnh hoạt động, nhằm phục vụ người dùng tin một cách tốt nhất.
+ Để đạt được mục đích hoạt động, để đưa Trung tâm Thông tin – Thư viện vào hoạt động tốt ta phải xin thêm nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu của Bộ để dựa vào đó chúng ta có những bước đi đúng hướng.
LỜI KẾT
Trên đây là bản thảo chính sách phát triển vốn tài liệu Thư viện tỉnh Đăk Nông từ 2010– 2015 tầm nhìn 2020. Tôi viết chính sách này với mong muốn sẽ giúp cho Trung tâm Thông Tin – Thư viện tỉnh Đăk Nông ngày một phát triển lên, đáp ứng ngày một đầy đủ hơn nhu cầu tin của người dân trên địa bàn cũng như người dân trên toàn Tỉnh, để sự nghiệp Thư viện là động lực giúp con người phát triển và thúc đẩy kinh tế, chính trị ngày một đi lên tiến kịp cùng trình độ phát triển chung của đất nước.
Bài viết này chắc chắn sẽ còn có nhiều thiếu sót và chưa được hoàn chỉnh. Chính vì thế, Tôi rất mong nhận được sự góp ý và đóng góp thêm ý kiến của quý thầy cô, cùng toàn thể các bạn để đề án này được hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn !

Không có nhận xét nào: