Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Tiểu luận tốt nghiệp

PHẦN I
TỔNG QUAN VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN
I. TỔNG QUAN VỀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Năm 1975, sau khi đất nước được giải phóng, trường Vẽ Gia Định ( tức trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định ) và trường Quốc gia Mỹ thuật Sài Gòn được sát nhập lại thành một trường.
Ngày 12 tháng 11 năm 1975, Bộ Văn hóa thông tin của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam chính thức phê chuẩn thành lập Ban phụ trách Trường.
Ngày 12 tháng 11 năm 1976, Bộ Văn hóa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định đổi tên trường (gồm 2 trường) thành "Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh".
Ngày 29 tháng 9 năm 1981, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quyết định đổi tên trường thành “Trường Đại Học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh”.
Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có hai hệ: Hệ Đại học và hệ Trung học. Hệ Đại học có Đại học chính quy và Đại học tại chức. Từ Đại học 6 năm (trước giải phóng) thống nhất lại còn 5 năm. Từ Trung học 5 năm thành Trung học 3 năm. Hiện nay hệ Trung học đang dần được chuyển về các địa phương để đào tạo, và được đào tạo theo chương trình thống nhất do Bộ Văn hóa ban hành.
Trường Đại Học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo đội ngũ cán bộ mỹ thuật, họa sĩ, nhà sư phạm mỹ thuật, nhà lý luận mỹ thuật, nhà quản lý và nghiên cứu khoa học mỹ thuật có tri thức về chính trị, kinh tế, xã hội, nắm vững kiến thức về mỹ thuật, có khả năng sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời tham gia mọi công việc về mỹ thuật do xã hội yêu cầu và theo định hướng của Bộ Văn Hóa Thông Tin.
Vị trí và chức năng.
- Trường Đại Học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp giáo dục, trực thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin , có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực mỹ thuật ở bậc đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học và sáng tác nghệ thuật phù hợp với các ngành đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần bảo tồn và phát triển nền mỹ thuật Việt Nam.
- Trường Đại Học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng.
Cơ cấu tổ chức.
- Trường Đại Học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và theo chế độ một thủ trưởng.
Lãnh đạo trường gồm có:
 Hiệu Trưởng và các Phó hiệu Trưởng.
 Các phòng chức năng:
 Phòng Tổ chức cán bộ;
 Phòng Hành chánh - Quản trị;
 Phòng Tài vụ;
 Phòng Đào tạo;
 Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác Quốc Tế;
 Phòng Công tác chính trị và Quản lý Sinh viên;
 Các khoa gồm:
 Khoa Kiến thức cơ bản;
 Khoa Hội họa;
 Khoa Đồ họa;
 Khoa Mỹ thuật ứng dụng;
 Khoa Điêu khắc;
 Khoa Sư phạm mỹ thuật;
 Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật;
 Khoa Tại chức;
 Khoa Sau đại học;
 Các tổ chức trực thuộc:
 Trung tâm Mỹ thuật ứng dụng;
 Trung tâm Tin học – Thư viện;
 Ban quản lý ký túc xá;
 Các hội đồng của Trường Đại Học Mỹ Thuật TP.HCM gồm:
 Hội đồng Trường,
 Hội đồng Khoa học,
 Các hội đồng khác
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THƯ VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1976, trên cơ sở tiếp quản tủ sách của trường Trang Trí Gia Định. Ban đầu với vốn tài liệu còn ít, không chuyên sâu nên thư viện chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của bạn đọc. Trải qua thời gian hoạt động, thư viện thường xuyên bổ sung sưu tầm các tài liệu chuyên ngành mỹ thuật ngày càng phong phú.
Năm 2004, thư viện bắt đầu tiến hành nâng cấp xây dựng thư viện điện tử, áp dụng công nghệ thông tin vào thư viện. Số lượng người dùng tin đến thư viện ngày càng nhiều, việc tra cứu cũng dễ dàng nên đáp ứng được nhu cầu tốt hơn, đầy đủ hơn.
Được manh nha từ yêu cầu và những đòi hỏi bức thiết về một trung tâm nghiên cứu ứng dụng Công nghệ Thông tin vào phát triển đào tạo mỹ thuật, hỗ trợ các phòng, ban, khoa trong công tác đào tạo và quản lý; lại vừa giữ những chức năng đặc thù. Ngày 30 tháng 9 năm 2005, căn cứ vào quy chế tổ chức và hoạt động hiện tại của trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định số 56/2005/QĐ – BVHTT quyết định thành lập Trung tâm Tin học – Thư viện trực thuộc trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và quy định vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Tin học – Thư viện. Theo đó, Trung tâm Tin học – Thư viện là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động theo phương thức sự nghiệp có thu, có con dấu riêng và có tài khoản ngân hàng.
Thư viện Trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tất cả các quy định của Vụ Thư viện đề ra về chuẩn hóa chuyên môn nghiệp vụ như: sử dụng bảng phân loại Dewey, mô tả theo Marc 21 để dễ dàng liên thông với thư viện bạn, tham gia làm thành viên của Liên chi hội thư viện Đại học phía Nam thuộc Hội Thư viện Việt Nam (VILASAL), tham gia đầy đủ các buổi hội thảo và các lớp tập huấn về nghiệp vụ thư viện để thống nhất chuẩn hóa về kỹ thuật nghiệp vụ thư viện, luôn bám sát và thực hiện đúng quy định về công tác nghiệp vụ thư viện.
Với chức năng tổ chức quản lý, lưu trữ, bổ sung, bảo quản và khai thác các tài liệu, ấn phẩm mỹ thuật, văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật phục vụ thiết thực công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Kể từ khi thành lập, Trung tâm Tin học - Thư viện luôn chú trọng xây dựng đội ngũ, nghiên cứu phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong trường, chuẩn hóa nghiệp vụ thư viện… góp chung vào sự nghiệp đào tạo của trường.
PHẦN II
THỰC TRẠNG TRỤ SỞ, TRANG THIẾT BỊ THƯ VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
I. CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN
1. Vốn tài liệu
Đây là yếu tố đầu tiên cấu thành nên một thư viện, nó là tài sản, là tiềm lực, là sức mạnh và là niềm tự hào của mọi thư viện. Vốn tài liệu càng phong phú thì khả năng đáp ứng nhu cầu cho người dùng tin càng hiệu quả và thu hút được nhiều người dùng đến với thư viện hơn. Vì thế mà thư viện Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao, cải tiến công tác bổ sung tài liệu để ngày càng phục vụ người dùng tốt nhất.
Hiện tại, thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh có tổng số 10.834 tài liệu. Trong đó có :
- Sách: 7.059 bản
- Tạp chí: 738 cuốn
- Luận văn, luận án: 3.037 cuốn
Ngoài ra, còn có 3.295 bài trích báo, tạp chí và 23.312 ảnh (do tính chất đặc thù về chuyên ngành đào tạo của trường, nên thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh phải thường xuyên sưu tầm, scan tranh ảnh để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dùng). Bên cạnh đó, thư viện còn có một ít tài liệu nghe nhìn, đa số là tài liệu đính kèm theo sách, tuy nhiên, vì thư viện không có phòng multilmedia nên các tài liệu này thường được cất trong tủ, không phục vụ.
Là một thư viện chuyên ngành hẹp ( Mỹ thuật), nguồn tài liệu trong nước khan hiếm, thư viện Đại học Mỹ Thuật luôn luôn có chính sách phát triển vốn tài liệu cho thư viện. Và với kinh phí bổ sung hàng năm là 70 triệu đồng, sách báo luôn được bổ sung kịp thời và tăng về số lượng đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo. Thư viện thường xuyên bổ sung tài liệu thông qua mối liên hệ với các nhà cung cấp, nhà sản xuất trong và ngoài nước, đã chọn lựa những bài báo chuyên ngành Mỹ thuật, văn hóa nghệ thuật đưa vào phần mềm để bạn đọc tra cứu. Ngoài ra, thư viện còn nhận được tài trợ từ một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp sách báo như: quỹ Châu Á (tài trợ sách), Dự án JDP (tài trợ tạp chí),… và tiếp nhận một số sách tặng từ các đoàn khách nước ngoài đến thăm trường, sách biếu của một số tổ chức trong nước (không thường xuyên).
Vì tài liệu của thư viện chủ yếu là tài liệu ngoại văn, có giá trị và độc bản nên thư viện chỉ phục vụ với hình thức đọc tài chỗ với hai hình thức tổ chức là kho đóng và kho mở. Tài liệu kho đóng hầu hết là tài liệu có giá trị, độc bản, còn kho mở bao gồm luận án, luận văn, truyện tranh, báo, tạp chí và các tài liệu về kiến thức đại cương do thư viện photo để người dùng thoải mái chọn lựa.
2. `Nhân sự
Cán bộ thư viện là linh hồn của thư viện (T.S Lê Văn Viết), họ là người chọn lựa, bảo quản tài liệu, sắp xếp chúng theo một trật tự nhất định, họ là người sắp xếp, bố trí việc sử dụng trụ sở thư viện và luôn luôn giữ các trang thiết bị trong tình trạng tốt nhất. Họ là nhịp cầu giúp cho người dùng tin tiếp xúc với tài liệu một cách chính xác và nhanh chóng hết mức có thể.
Số lượng cán bộ thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh hiện tài có 4 người, trong đó có một cán bộ đã có nhiều năm công tác trong ngành, còn lại là các cán bộ trẻ mới ra trường. Có hai cán bộ trình độ Cao đẳng, một cán bộ trình độ Đại học và một cán bộ chưa có chuyên môn về nghiệp vụ thư viện. Mặc dù, số lượng nhân viên ít nhưng số tài liệu có trong Thư viện đều được các cán bộ xử lý hết.
Do điều kiện về trụ sở, trang thiết bị nên, ngoài một thủ thư chưa có chuyên môn làm việc tại khu vực dành cho bạn đọc và tra cứu ra, còn những cán bộ khác vẫn chưa có sự phân công công việc một cách khoa học. Các cán bộ thư viện này phải vừa xử lý kỹ thuật, vừa làm phục vụ ở khu vực kho đóng. Điều này, làm cho hiệu quả công việc bị giảm sút và thiếu sự chặt chẽ do chưa xác định rõ nhiệm vụ cụ thể.
3. Người dùng tin
Phục vụ người dùng là mục đích cuối cùng của bất kỳ một thư viện nào. Người dùng là nhân tố quyết định đến sự tồn tại của tất cả các thư viện nói chung, và thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Người dùng đến với thư viện chủ yếu là sinh viên, học viên, và các cán bộ công nhân viên, giảng viên của trường. Vì số lượng sinh viên tuyển sinh vào trường không nhiều so với các trường Đại học khác, chuyên ngành đào tạo của trường lại nghiêng về thực hành nhiều hơn nên số lượt người dùng đến với thư viện cũng khá khiêm tốn, trung bình khoảng 30 lượt/ngày.
Số bạn đọc đăng ký thẻ hằng năm:
- 2005: 180 thẻ
- 2006: 136 thẻ
- 2007: 154 thẻ
- 2008: 68 thẻ
- 2009: 154 thẻ
- Tháng 5/2010: 342 thẻ
Với vốn tài liệu ngày càng phong phú, việc tra cứu tìm kiếm dễ dàng nên số lượt người dùng đến với thư viện ngày một tăng lên, cụ thể như sau:
- 2005: 1.009 lượt
- 2006: 1.346 lượt
- 2007: 1.811 lượt
- 2008: 2.375 lượt
- 2009: 1.855 lượt
- Tháng 05/2010: 774 lượt
Người dùng đến với thư viện chủ yếu với mục đích học tập, nghiên cứu là chủ yếu, một số rất ít đến với nhu cầu giải trí, và thư giãn.
4. Kinh phí
Kinh phí hoạt động của thư viện trước đây khoảng từ 100 đến 120 triệu một năm, nhưng từ năm 2010 kinh phí hoạt động đã giảm xuống còn 70 triệu một năm. Tuy nhiên, tất cả kinh phí này thư viện đều chỉ dùng cho việc bổ sung tài liệu cho Thư viện.
II. THỰC TRẠNG TRỤ SỞ, TRANG THIẾT BỊ CỦA THƯ VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trụ sở, trang thiết bị hay còn gọi là cơ sở vật chất – kỹ thuật của một thư viện đóng một vai trò hết sức quan trọng, nó là nơi chứa, nơi bảo quản nguồn tài liệu của thư viện, là nơi để bạn đọc có thể tiếp xúc với tài liệu, tiếp xúc với các thông tin bổ ích, là nơi để cán bộ thể hiện cái vai trò, nhiệm vụ, ước mơ về nghề nghiệp của mình. Trụ sở, trang thiết bị của một thư viện nó quyết định đến sự phát triển, hay kìm hãm sự phát triển của thư viện đó. Chính vì vậy, mà việc xây dựng, bố trí thư viện sao cho khoa học, hợp lý và cả việc bổ sung, sử dụng và bảo quản, duy trì độ bền của các trang thiết bị trong thư viện là việc hết sức cần thiết.
1. Thực trạng về trụ sở của thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh
Thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh không có trụ sở chuyên biệt mà được bố trí trong một gian phòng khá là khang trang và sạch sẽ có diện tích 300m, tại tầng 8, khu giảng đường của trường. Với thiết kế có khá nhiều cửa sổ, trần nhà cao, ráo, tạo cho thư viện một không gian thoáng đãng.
Việc bố trí địa điểm của thư viện như thế này (khi chưa có trụ sở thư viện riêng) thuận tiện cho sinh viên có thể đến thư viện bất cứ lúc nào trong các giờ giải lao, hay cần tra cứu thông tin gấp. Tuy nhiên, việc thư viện không có trụ sở được thiết kế chuyên biệt, và với diện tích quá bé như hiện nay cũng đã làm giảm đi hiệu quả hoạt động của thư viện rất nhiều. Thư viện không có sự phân chia các phòng chức năng như đa số các thư viện các trường Đại học khác mà tất cả các công việc đều được thực hiện trong một căn phòng. Cụ thể như sau:
Khối tài liệu:
+ Kho đóng: 90m
+ Kho mở: 14m
Khối phục vụ bạn đọc: 181m (trong đó, khu vực tra cứu chiếm 6m)
Khối hành chính sự nghiệp: 15m (bao gồm cán bộ quản lý, xử lý kỹ thuật)
Sơ đồ bố trí thư viện

Từ sơ đồ ta có thể thấy rằng, việc phân chia khu vực đọc ở hai kho đóng mở khác nhau là việc bất hợp lý, trong khi tài liệu ở kho đóng là tài liệu chuyên ngành, mang thông tin chuyên sâu, lượng người dùng nhiều hơn nhưng chỉ có một dãy bàn để bạn đọc nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc cán bộ thư viện sử dụng bàn này để thực hiện một số công việc thủ công trong việc xử lý tài liệu cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng. Còn khu vực dành cho bạn đọc tài liệu ở kho mở, báo, tạp chí, mặc dù ít người dùng hơn lại rộng rãi và nhiều bàn ghế hơn. Việc bố trí lại để tạo ra không gian thoải mái trong công việc cho cán bộ, cũng như không gian yên tĩnh cho người dùng là rất cần thiết.
Thư viện có ba cửa vào, tuy nhiên chỉ sử dụng một cửa số 2 do thư viện chỉ trang bị một cổng từ. Tất cả các hoạt động ra vào của các cán bộ thư viện ( bổ sung tài liệu, nhu cầu cá nhân, …) cũng đi qua cửa này, làm người dùng mất tập trung, trong khi đó cửa số 3 và 2 luôn luôn được đóng kín vì thư viện sợ mất cắp tài liệu.
Diện tích quá nhỏ nên hiện nay thư viện vẫn chưa xây dựng được các khối chức năng đầy đủ, mới có 3 khối chức năng, còn khối dịch vụ vẫn chưa có để phục vụ nhu cầu của người dùng đầy đủ, và tốt hơn nữa.
2. Thực trạng về trang thiết bị của thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh
a. Thiết bị làm việc, phục vụ người dùng
Các thiết bị phục vụ - dịch vụ người dùng được trang bị trong thư viện được xem là bộ mặt của thư viện, nó mang đặc trưng cho nghề thư viện cho nên các thư viện thường đầu tư kinh phí để trang bị. Nó không chỉ là thiết bị hỗ trợ công việc cho cán bộ thư viện, mà nó còn giúp người dùng có tinh thần sảng khoái hơn, và tạo không gian mỹ quan trong thư viện.
* Thiết bị làm việc
Lao động của người cán bộ thư viện thực tế là lao động khoa học, mang đặc trưng riêng nên việc trang bị trang thiết bị chuyên dùng cho cán bộ thư viện là điều hết sức cần thiết. Hiện nay, trang thiết bị trong thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh nói chung và trang thiết bị làm việc của cán bộ thư viện nói riêng là vấn đề rất được ban Lãnh đạo của trường chú trọng. Các cán bộ thư viện có bàn ghế, có tủ đựng tài liệu, hồ sơ, kệ xử lý sách, … Tuy nhiên, làm thế nào để có thể khai thác triệt để các công năng của các thiết bị là vấn đề vẫn bỏ ngỏ, các thiết bị không chỉ đẹp về kiểu dáng mà còn phải tiện nghi.
Bảng kê trang thiết bị làm việc
STT TÊN THIẾT BỊ ĐƠN VỊ SỐ LƯỢNG NƠI SỬ DỤNG
1 Bàn làm việc Cái 03
01
09 Khối nghiệp vụ
Thủ thư
Để trong kho sách, không sử dụng
2 Xe đẩy sách Cái 03 Khối nghiệp vụ - Kho đóng
3 Ghế làm việc Cái 06
02
08 Khối nghiệp vụ
Kho đóng
Không sử dụng
4 Bàn vi tính Cái 04 (một máy cũ không sử dụng) Khối nghiệp vụ
5 Tủ đựng hồ sơ Cái 02 Khối nghiệp vụ
6 Điện thoại Cái 01 Khối nghiệp vụ
7 Máy quét mã vạch Cái 01 Khối nghiệp vụ

Ngoài ra, thư viện còn trang bị một số thiết bị hỗ trợ cho nghiệp vụ như: máy vi tính, máy scan, máy photocopy, …
* Thiết bị phục vụ người dùng
Các thiết bị thường được đặt ở khu vực phục vụ, như: bàn, ghế, máy tra cứu, các thiết bị chiếu sáng, quạt điện, … Thư viện có tổ chức cả kho mở nên việc sử dụng và khai thác các trang thiết bị của thư viện khá triệt để. Thư viện bố trí sắp xếp bàn ghế phục vụ bạn đọc ở kho mở khá hợp lý, với việc sắp xếp các dãy bàn song song nhau, có lối đi đến các máy tra cứu, hạn chế được tiếng động gây ồn với những người xung quanh. Đồng thời, thủ thư có thể theo dõi, giám sát các hoạt động đọc tại chỗ của tập thể người dừng một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Thiết bị lưu trữ thông tin
Hiện nay, thư viện không sử dụng hệ thống lưu trữ thông tin truyền thống. Thư viện đang từng bước chuyển sang tự động hóa và nâng cao hiệu quả phục vụ bằng mục lục điện tử. Thư viện có 6 máy để tra cứu ở khu phục vụ bạn đọc. Nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao vì người dùng tin đa phần chưa sử dụng thành thạo cách tra cứu trên máy.
Tủ cất giỏ sách: Thư viện có trang bị ba tủ cất giỏ sách đặt ngoài hành lang của thư viện nhưng bạn đọc không hề sử dụng đến vì thư viện đã trang bị cổng từ nên cho phéo người dùng có thể mang giỏ xách, cặp,… vào bên trong thư viện.
Bảng thông kê thiết bị phục vụ người dùng
STT TÊN THIẾT BỊ ĐƠN VỊ SỐ LƯỢNG NƠI SỬ DỤNG
01 Bàn đọc 31
03 Cái
Phục vụ kho mở
Phục vụ kho đóng
02 Bàn tra cứu 06 Cái Khối phục vụ
03 Ghế ngồi đọc 45 Cái Phục vụ đóng + mở
04 Máy tra cứu 06 Cái Khối phục vụ
05 Bảng nội quy + thông báo 01 Cái Không sử dụng
06 Tủ đựng túi sách người dùng 03 Cái Không sử dụng
07 Kệ đựng báo, tạp chí 02 Cái Khối phục vụ

b. Các thiết bị thông tin liên lạc, điện tử - tin học
Trước đây, thư viện Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh chỉ được trang bị một máy điện thoại, một máy vi tính để soạn thảo văn bản. Từ năm 2004, cùng với sự thành lập trung tâm Tin học – Thư viện, Thư viện tiến hành chuyển sang xây dựng thư viện điện tử. Đến nay, trang thiết bị của thư viện đã được trang bị khá đầy đủ, phục vụ tốt cho chức năng tìm và khai thác thông tin.
* Thiết bị thông tin liên lạc: Đây là các thiết bị không thể thiếu trong một thư viện, nó là thiết bị hộ trợ, là phương tiện để giao dịch với các nhà xuất bản, với người dùng, với các cơ quan khác, …
Vì thư viện chỉ gói gém trong một căn phòng nên cả thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất một máy điện thoại để liên lạc. Thư viện vẫn chưa trang bị máy fax. Tuy nhiên, tất cả các máy vi tính có trong thư viện đều được nối mạng internet, rất thuận tiện cho việc tra cứu thông tin trên mạng và có thể liên lạc với đối tượng cần nhanh chóng (với điều kiện đối phương cũng có máy vi tính nối mạng).
Các thiết bị nghe nhìn như: audio và video, màn hình video, máy chiếu phim, máy phát hình, … và cả máy ghi hình thư viện vẫn chưa trang bị.
Hiện nay, thư viện không sử dụng hình thức tuyên truyền tài liệu, thông báo sách mới bằng cách đánh máy, in và dán trên bảng thông báo nữa, mà chủ yếu nhập tất cả vào máy vi tính để người dùng tra cứu trực tiếp trên mạng internet.
* Máy móc, thiết bị tin học
Thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh có tất cả 10 máy vi tính, trong đó, có ba máy trang bị cho cán bộ thư viện, 6 máy dùng để người dùng tra cứu và truy cập internet, 1 máy còn lại do quá cũ, tốc độ xử lý chậm nên không còn được sử dụng nữa. Cả 9 máy đều được nối mạng internet, tuy nhiên đường truyền yếu, tốc độ và bộ nhớ của các máy chủ chưa cao, vì vậy cần phải nâng cấp các máy vi tính trong thư viện là yêu cầu cần phải làm ngay.
Mỗi ngày thư viện phục vụ người dùng đến tra cứu và truy cập internet từ 8h30 đến 17h30 (thư viện nghỉ không phục vụ ngày chủ nhật). Bạn đọc chỉ được truy cập các trang web phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và những trang web giải trí lành mạnh. Thư viện luôn có người giám sát, kiểm tra để tránh có các trường hợp truy cập vào những trang web có nội dung xấu, không lành mạnh.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 30 lượt/ngày.
Với số lượng là 6 máy để tra cứu và truy cập internet hiện nay là hợp lý so với tình hình người dùng đến với thư viện. Mặc dù số lượng máy ít nhưng đa phần, người dùng đến tra cứu dữ liệu là chủ yếu, lượt người đến truy cập là rất ít. Hầu như, lúc nào cũng có máy trống, không người sử dụng.
Thư viện đã trang bị các thiết bị ngoại vi như:
+ 01 máy in Lazer hp 1200, 01 máy scanner.
+ 01 máy photocopy dùng để phục vụ cho việc nhân bản một số bài trích, báo tạp chí, các tài liệu mà người dùng yêu cầu và các tài liệu độc bản khác trong thư viện.
Bảng kê các thiết bị thông tin liên lạc, điện tử - tin học
STT TÊN THIẾT BỊ ĐƠN VỊ SỐ LƯỢNG NƠI SỬ DỤNG
01 Máy vi tính Cái 03
06
01 Khối nghiệp vụ
Khối phục vụ
Không sử dụng
02 Máy photocopy Cái 01
01 Khối nghiệp vụ
Không sử dụng
03 Máy in Lazer hp 1200 Cái 01 Khối nghiệp vụ
04 Máy quét scanner Cái 01 Khối nghiệp vụ
05 Điện thoại bàn Cái 01 Khối nghiệp vụ

c. Thiết bị an toàn tài liệu
* Thiết bị tu sửa sách
Các thiết bị tu sửa sách hầu hết bằng thủ công cầm tay như: dao xén tay, dao, kéo, băng keo, kim bấm, keo dán, bàn ép… Công việc chủ yếu dùng đến các thiết bị này là: đóng bìa, cắt xén giấy, đóng sổ, … công dụng chỉ để tu sửa các tài liệu hư hỏng trong quá trình sử dụng, phục vụ. Cán bộ thư viện chỉ tu sửa các hỏng hóc nhỏ của tài liệu, còn các việc lưu trữ tài liệu lâu dài như đóng sách, báo, tạp chí đã có kinh phí thư viện hợp đồng với những cơ sở chuyên trách.
* Thiết bị phòng cháy, chữa cháy
Thư viện là nơi tang trữ sách, báo. Vì vậy việc phòng chống cháy nổ là vấn đề luôn được quan tâm. Thư viện đã trang bị các thiết bị như: ổn áp, bộ tích điện, bình chữa cháy, hệ thống cầu dao cắt điện khi gặp sự cố và cả bình khí CO2.
* Cổng từ
Từ năm 2008, được sự cho phép từ phía nhà trường, thư viện tiến hành lắp đặt hệ thống cổng từ tại cửa ra vào để quản lý bạn đọc và tài liệu trong thư viện được tốt hơn. Để quản lý được bằng hệ thống này, tất cả các tài liệu của thư viện đều được dán từ. Hệ thống cổng từ giúp thư viện kiểm soát bạn đọc chặt chẽ hơn trong điều kiện vẫn cho phép bạn đọc mang giỏ sách vào thư viện. Khi người dùng mang tài liệu ra khỏi thư viện mà không trải qua khâu khử từ , hệ thống cổng từ sẽ báo động và nhân viên thư viện kịp thời sẽ có biện pháp xử lý.
* Camera
Cùng với việc trang bị cổng từ, bên phía nhà trường còn cấp kinh phí để thư viện trang bị hệ thống camera bao gồm 6 máy, để có thể ghi hình lại toàn bộ diễn tiến hoạt động của thư viện trong ngày, giúp cho cán bộ thư viện kiểm soát người dùng được chặt chẽ hơn mà không tạo cảm giác khó chịu, mất tự nhiên của họ.
Tuy nhiên, mặc dù đã lắp đặt từ lâu nhưng hệ thống máy camera trong thư viện vẫn chưa được đưa vào sử dụng.
d. Các thiết bị khác
* Thiết bị chiếu sáng
Đây là thiết bị mà thư viện đặc biệt quan tâm, vì nó chẳng những chi phối đến hiệu quả phục vụ mà còn có sự tác động đến sức khỏe người dùng, cụ thể là mắt.
Với 12 bóng đèn neon có độ dài 1.2m – 40w trong kho sách, và 24 bóng cùng loại ở khu vực phục vụ, thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thật sự đã tạo ra một không gian đọc có ánh sáng lý tưởng, không gây cảm giác chói sáng, lại khuếch tán đều, không đổ bóng.
* Thiết bị cơ – điện thông thoáng không khí
Tinh thần người dùng sẽ thoải mái, dễ chịu, hiệu quả nghiên cứu, học tập sẽ tăng lên nếu không gian trong thư viện thật sự thoáng đãng, mát mẻ.
Hiện nay, thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng các thiết bị cơ – điện thông thoáng không khí sau:
+ Máy điều hòa nhiệt độ: 4 máy
+ Quạt điện: Mặc dù thư viện đã trang bị máy điều hòa nhiệt độ, tuy nhiên vẫn bố trí 16 quạt điện trong kho sách, khu vực làm việc của các cán bộ và rải rác ở khu phục vụ kho mở. Loại quạt thư viện sử dụng chủ yếu là quạt treo tường, tuy nhiên do quạt treo ở vị trí khá cao nên cũng không đủ để xua đi cái nóng vào những ngày oi bức. Trong khi đó, tất cả các máy điều hòa nhiệt độ đều được bố trí ở khu vực phục vụ bạn đọc, nên không khí tại khu vực này luôn mát mẻ, thông thoáng.
* Giá, kệ chứa tài liệu
Toàn bộ giá chứa sách của thư viện sử dụng đều bằng sắt sơn tĩnh điện màu xám trắng. Giá sắt có độ bền cao hơn giá gỗ, lại không bị mối mọt xâm hại. Mẫu mã các loại giá tương tự nhau, được thiết kế 5 tầng trên một kệ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai tầng (35 cm) là cố định, không tiết kiệm được diện tích giá khi có sự thay đổi kích thước của tài liệu. Có nhiều tài liệu để ở trạng thái nghiêng vì quá khổ so với khoảng cách giữa hai tầng nên qua thời gian bị cong gáy sách, hoặc cong cả trang.
Giá sách hiện có trong thư viện là 63 giá ( 51 giá sử dụng trong kho đóng, 12 giá sử dụng ngoài kho mở), có đến 12 giá vẫn vẫn chưa được sử dụng vì số lượng tài liệu đã được xếp đủ.
Đối với báo, tạp chí, cán bộ xử lý chuyên môn và xếp lên hai kệ tự chọn đặt gần ở khu phục vụ bạn đọc kho mở.
* Thiết bị di chuyển và lấy sách
+ Xe đẩy di chuyển sách: Được trang bị dùng để di chuyển sách vào kho sau khi hoàn tất khâu xử lý kỹ thuật hoặc cất sách vào kho sau khi phục vụ. Thiết kế 3 ngăn, 2 mặt, có 4 bánh di chuyển, dùng lực kéo hoặc đẩy. Hiện thư viện đã trang bị 3 xe đẩy sách. Tuy nhiên, chỉ sử dụng có hai xe, còn một xe còn lại hầu như để ở cuối kho sách, không hề sử dụng đến.
+ Hiện nay, thư viện Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh chưa trang bị các thiết bị lấy sách. Cán bộ thư viện muốn lấy sách ở trên cao đều phải dùng ghế để thay cho thang lấy sách hoặc bục.

* Thiết bị làm sạch: Thư viện không trang bị các thiết bị làm sạch vì Ban lãnh đạo trường đã bố trí riêng cho thư viện nhân viên chuyên làm nhiệm vụ quét dọn, làm sạch cho thư viện. Tuy nhiên, nhân viên này chỉ tiến hành quét dọn sàn nhà, lau chùi bàn ghế, trang thiết bị của thư viện, còn việc bảo quản kho sách khỏi các bụi bẩn thì dường như làm chưa được tốt. Trong kho đóng, bụi bám đầy trên các tài liệu, đặc biệt các tài liệu chính trị, ít người dùng. Không những tác động không tốt đến tài liệu mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ thư viện.
3. Nhận xét và đánh giá
Qua khảo sát thực trạng trụ sở trang thiết bị của thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy:
• Về trụ sở:
Mặc dù, trụ sở thư viện khá là khang trang, sạch sẽ, thông thoáng với thiết kế nhiều cửa sổ, trần cao, và tách biệt với các tầng dùng để giảng dạy khác nên giảm thiểu được tiếng ồn mà không cần sử dụng cửa cách âm. Tuy nhiên, diện tích thư viện quá nhỏ, gây khó khăn trong việc sử dụng trụ sở Vì vậy mà thư viện vẫn còn những bất cập trong việc bố trí các khối chức năng gây ảnh hưởng đến các hoạt động của thư viện.
• Về trang thiết bị:
Thư viện được đầu tư tốt về trang thiết bị, đây là điệu kiện thuận lợi cho công việc của cán bộ thư viện và là điều hấp dẫn người dùng đến với thư viện.
Tuy nhiên, thư viện còn những bất cập về trang thiết bị:
+ Trang thiết bị của thư viện khá khang trang, hiện đại có giá trị sử dụng nhưng thư viện vẫn chưa hề có quy chế hay nội quy gì về quản lý và khai thác sử dụng trang thiết bị.
+ Các thiết bị dư thừa chưa khai thác hết công năng, nhưng một số thiết bị cần khác vẫn còn thiếu.
+ Công tác tổ chức, xắp xếp trang thiết bị còn lúng túng, thiếu khoa học, việc trang bị các trang thiết bị còn mang tính tự phát, chưa thật sự khoa học.
+ Thư viện chưa chú ý đến công tác đào tạo người dùng tin và kỹ năng sử dụng cho cán bộ thư viện để họ biết cách khai thác và sử dụng các thiết bị thật hiệu quả.
PHẦN III
CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TRỤ SỞ, TRANG THIẾT BỊ TẠI THƯ VIỆN ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT TRONG GIAI ĐOẠN SẮP TỚI
Trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân là trường vẽ Gia Định thành lập năm 1913) là một trong những trường Mỹ thuật đầu tiên tại Đông Dương. Trên cơ sở bề dày này, vai trò đầu tàu của trường trong việc xây dựng một nền mỹ thuật mang tính bác học, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là không thể thiếu. Trường phải trở thành một trung tâm đào tạo lớn về mỹ thuật phù hợp với quy mô của thành phố và của cả nước.
Trường phát triển đào tạo theo hai hướng.
+ Hướng thứ nhất : Duy trì và phát triển đào tạo mỹ thuật tạo hình, đào tạo ra các họa sĩ, nhà điêu khắc, sang tác, và nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, nhà sư phạm mỹ thuật. Đây là hướng rất quan trọng, mang tính học thuật cao có nhiều uy tín cho nhà trường.
+ Hướng thứ hai: Mở rộng và phát triển đào tạo mỹ thuật ứng dụng, một loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống, rất cần trong nền kinh tế thị trường. Mỹ thuật ứng dụng mà trường tập trung vào trong giai đoạn tới chủ yếu là các chuyên gia có sức hút lớn về nhu cầu: thiết kế đồ họa vi tính, trang trí nội thất, truyện tranh, hoạt hình, thời trang, truyền thông đa phương tiện…
Hướng thứ nhất nên giữ quy mô tuyển sinh như hiện nay, nhằm tìm kiếm, chắt lọc những họa sĩ giỏi có đủ năng lực sáng tác.
Hướng thứ hai nên mở rộng quy mô tuyển sinh để thỏa mãn nhu cầu nhân lực của xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà trường. Bên cạnh đó, so với các trung tâm mỹ thuật khác trong cả nước, mỹ thuật ứng dụng của thành phố Hồ Chí Minh là một thế mạnh và có sức phát triển lớn.
Hiện nay, nhà trường đang đào tạo một số sinh viên nước ngoài đã tạo được uy tín. Tiến tới sẽ thu hút tuyển sinh đến các nước trong khu vực và thế giới.
Trong khu vực Đông Á, và Đông Nam Á, nền mỹ thuật Việt Nam có một chỗ đứng quan trọng, chiếm một vị trí cao trong các tác phẩm mỹ thuật và đội ngũ tác giả. Sơn mài là một chất liệu quý được các họa sĩ Việt Nam nâng lên thành một chất liệu mỹ thuật tạo hình. Tranh sơn mài đã từ lâu nổi tiếng khắp khu vực và là chất liệu nhiều sinh viên các nước quan tâm học hỏi. Trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh có đủ điều kiện và khả năng trở thành một trung tâm đào tạo về nghệ thuật sơn mài trong khu vực, đó là vị trí địa lý, trường gần các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Singagore… Chi phí đào tạo thấp, khả năng chuyên môn tốt, chất liệu độc đạo. Từ việc học tập sơn mài, dần dần tuyển sinh vào các ngành học khác để chuyển trường thành một trong những trung tâm mỹ thuật của khu vực. Việc này là khả thi khi đã có sinh viên nước ngoài đã và đang học tại trường.
Về cơ sở vật chất
Muốn trở thành một trung tâm mỹ thuật lớn, trường cần phải phát triển cơ sở vật chất, đủ khối lượng các phòng học lý luận, thực hành đúng chuẩn quốc tế. Tiêu chuẩn không gian học tập của sinh viên mỹ thuật phải được chú ý, đảm bảo đầy đủ các thiết bị cần thiết về ánh sáng, họa cụ, máy móc. Nâng cấp trung tâm tin học và thư viện trở thành một trung tâm tin học phục vụ mỹ thuật lớn nhất.
Xây dựng hệ thống nhà xưởng, chất liệu phù hợp với yêu cầu của từng khoa. Các xưởng không chỉ là nơi thực hành các bài tập, mà còn là nơi thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, thi công công trình phục vụ xã hội.
Trường mỹ thuật không chỉ là nơi đào tạo các họa sĩ, chuyên gia về mỹ thuật, trường còn phải là nơi tham gia, tổ chức các hoạt động mỹ thuật phía Nam. Trường sẽ là một đơn vị quan trọng cùng với Hội Mỹ thuật định hướng các hoạt động mỹ thuật, góp phần làm đời sống mỹ thuật them phong phú.
2. ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CỦA THƯ VIỆN ĐẠI HỌC MỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh định hướng xây dựng thư viện thành thư viện chuyên ngành mỹ thuật, không chỉ phục vụ tốt cho công tác đào tạo đại học và sau đại học của trường, mà còn là nơi nghiên cứu cho các nhà mỹ thuật, các đọc giả yêu thích nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh.
Để quản lý tốt và phát triển thư viện không thể thiếu thiết bị và công nghệ. Trang thiết bị hiện đại sẽ giúp con người quản lý và khai thác hiệu quả vốn tư liệu hiện có của thư viện. Với những đặc trưng riêng của trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch đầu tư cho giai đoạn 2010 – 2011 đã được hoạch định: Đưa hệ thống camera quan sát phòng đọc vào hoạt động giúp cho việc quản lý an toàn tài liệu của thư viện, phân loại tài liệu để chuyển một số ra kho mở để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Đầu tư phòng nghe nhìn đa chức năng phục vụ các buổi chuyên đề của thư viện: chiếu phim nghệ thuật, truy cập dữ liệu điện tử, hội thảo, giới thiệu tài liệu mới, hội nghị bạn đọc…
Tăng nhân sự và chuẩn hóa nghiệp vụ của cán bộ thư viện, tạo dựng môi trường tốt cho học tập nghiên cứu, thực sự cuốn hút những người yêu thích mỹ thuật. Ứng dụng công nghệ và trang thiết bị để đem lại nhiều tiện ích để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng yếu của mình là phục vụ hoạt động giảng dạy học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường.
Mở rộng và nâng cấp diện tích sử dụng của thư viện, áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của thư viện, bổ sung thêm tài liệu về chuyên ngành Mỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dùng.
Phát triển, nâng cấp hệ thống mạng nhằm đưa nguồn tài liệu nội bộ lên mạng để phục vụ cho cán bộ, công nhân viên, giảng viên và sinh viên trong trường hiệu quả hơn.
Giao lưu, và tìm kiếm thêm các nguồn, các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển thư viện.
II. GIẢI PHÁP CẢI TẠO, BỐ TRÍ LẠI TRỤ SỞ THƯ VIỆN
Thư viện là trung tâm văn hóa, giáo dục, là bộ mặt và là niềm tự hào của cả trường nói chung và của cán bộ thư viện nói riêng. Muốn cho thư viện hoạt động tốt, đòi hỏi cần có sự bố trí, sắp xếp các khối chức năng và trang thiết bị một cách hợp lý.
Diện tích thư viện hiện nay là quá nhỏ so với quy mô và hoạt động của thư viện. Cán bộ thư viện cần kiến nghị lên phía nhà trường để được mở rộng diện tích trụ sở của thư viện để tạo lập các khối chức năng thật sự chuyên trách và có thể sử dụng các trang thiết bị dư thừa, tránh được sự lãng phí của thư viện. Việc mở rộng diện tích thư viện cần phải tuân theo các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo được ánh sáng, đảm bảo về an toàn, phòng cháy chữa cháy, các phòng kho được bố trí sao cho hợp lý và phù hợp với trình tự diễn tiến của quá trình hoạt động thư viện.
Cần bố trí lại thư viện cho hợp lý hơn, cụ thể:
+ Bàn phục vụ người dùng và làm việc, nay giảm bớt một cái bàn và đưa xuống khu phục vụ người dùng, cùng với số bàn chưa được sử dụng trong kho sách. Tất cả người dùng mượn tài liệu ở kho đóng không đọc ở bàn làm việc khu nghiệp vụ nữa, mà sẽ đọc tại khu phục vụ. Để tránh bị ảnh hưởng bởi công việc của cán bộ, làm giảm hiệu quả học tập, nghiên cứu của họ.
+ Máy tính tra cứu và truy cập internet trước đây được bố trí ở cuối khu phục vụ, người dùng phải đi xuống cuối phòng để tra cứu, sau đó lại quay lên khu nghiệp vụ để mượn tài liệu nên rất mất thời gian, và trong quá trình đi qua lại như vậy, vô tình gây ảnh hưởng đến người đọc xung quanh. Chính vì vậy, cần bố trí máy tính lên phía trên gần kho mở, lại đối diện với bàn thủ thư nên không những thuận tiện cho thủ thư giám sát tình hình truy cập và hạn chế được những bất cập đã nêu trên.
+ Việc bố trí lại máy tính tra cứu, đồng nghĩa với việc thay đổi vị trí của kho mở. Kho mở sẽ được dịch chuyển gần về phía nghiệp vụ hơn một chút xíu, số giá sách thừa chưa được sử dụng thì được chuyển toàn bộ sang phía khoảng trống giữa cửa số 2 và bàn làm việc của cán bộ thư viện.
Để tránh tình hình các công việc hoạt động ra vào của cán bộ thư viện gây chú ý, làm ảnh hưởng đến hoạt động của người dùng, cần mở cửa số 3 để làm lối đi riêng cho cán bộ thư viện. Để tránh việc người khác đi vào thư viện qua lối này, cán bộ thư viện cần khóa trong cửa lại khi không có nhu cầu ra vào. Còn người dùng vẫn đi qua cửa thứ hai.
Sơ đồ bố trí lại thư viện

III. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG TRANG THIẾT BỊ TẠI THƯ VIỆN
1. Bố trí, xắp xếp lại trang thiết bị cho thật hợp lý.
Mặc dù, có hệ thống quạt treo trong kho sách và khu làm việc của cán bọ thư viện, nhưng vì treo quá cao nên làm giảm khả năng làm mát của chúng, vì vậy cần phải xem xét, và di chuyển vị trí của các quạt xuống thấp hơn để có thể xua cái nóng oi bức.
Các máy điều hòa nhiệt độ cũng cần bố trí lại, trong khi cả bốn máy đều tập trung hướng đến làm mát khu phục vụ, thì khu làm việc của các bộ thư viện máy điều hòa không thể làm mát tới. Và hầu như, mỗi ngày, cán bộ chỉ cần mở hai máy là có thể làm mát toàn bộ khu này. Vì vậy, cần bố trí lại các máy điều hòa, thay vì khoảng cách giữa các máy là 3m/máy trong phạm vi làm mát một nửa thư viện thì ta có thể đặt tại khu phục vụ hai máy, khu vực tra cứu 1 máy, ở giữa kho mở và khu làm việc của cán bộ một máy. Như vậy, việc làm mát của máy điều hòa sẽ trải đều hơn, hiệu quả hơn.
2. Bổ sung và khai thác triệt để các công năng của các thiết bị chưa được sử dụng, và thanh lý các trang thiết bị không thể sử dụng, hoặc không sử dụng nữa.
a. Bổ sung và khai thác triệt để các công năng của các thiết bị chưa được sử dụng
Ngoài các trang thiết bị đã được trang bị, thư viện cũng cần trang bị thêm các trang thiết bị cần thiết sau:
+ Số lượng quạt điện trong thư viện khá nhiều, vì vậy thư viện cần bổ sung thêm thang nhôm, loại thang được gấp gọn lại để dùng cho các công việc như: treo tranh ảnh, sữa chữa, thay thế đồ điện, lau chui kính, quạt máy,… rất tiện cho các thủ thư.
+ Máy fax vì yêu cầu liên lạc của thư viện qua máy fax là rất cần thiết vì rất nhanh chóng, tiện lợi như: gửi, nhận đơn đặt hàng mua tài liệu qua máy fax.
+ Một số thiết bị như: máy vi tính cá nhân, màn hình, đầm máy video, các thiết bị âm thanh, là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho cán bộ thư viện trong các hội thảo, tập huấn chuyên môn.
+ Máy ghi hình kỹ thuật số để sử dụng trong việc lưu trữ và thông tin tư liệu. Ghi hình lại các cuộc họp, hội thảo quan trọng,…
+ Bục lấy sách : dùng để tìm tài liệu lưu trữ trong các kho khi các tài liệu xếp ở trên cao quá so với tầm với của các bộ thư viện và bạn đọc.
+ Thiết bị làm sạch: Mặc dù thư viện đã có nhân viên quét dọn riêng, tuy nhiên trong kho sách bụi bặm vẫn bám đầy trên tất cả các giá vì nhân viên này chỉ lau chùi khu vực bên ngoài, bàn làm việc, còn nhiệm vụ bảo quản các trang thiết bị và tài liệu của thư viện vẫn là của cán bộ thư viện. Vì vậy thư viện cần bổ sung thêm các thiết bị làm sạch như: máy hút bụi, khăn lau, chổi lông gà dùng để quét trần, …
+ Thiết bị báo cháy
Thư viện cần sửa chữa lại số quạt bị hỏng trong thư viện để đưa vào sử dụng (3 quạt). Đồng thời, đưa máy photocopy còn chưa sử dụng và hệ thống máy camera vào sử dụng để quản lý thư viện được tốt hơn, chặt chẽ hơn.
b. Thanh lý
Hiện nay, trong thư viện có một dàn máy vi tính không sử dụng vì dàn máy đó đã sử dụng trước đây khá lâu, tốc độ xử lý chậm, khả năng hoạt động kém. Nên cần thanh lý máy này để có thêm nguồn kinh phí cho thư viện sử dụng trong các việc khác cần thiết hơn.
3. Tăng cường trang thiết bị hiện đại
Mỗi năm, thư viện luôn có kế hoạch phát triển, hiện đại các trang thiết bị để có thể thực hiện mục tiêu xây dựng thư viện điện tử, hiện đại. Tuy nhiên, do diện tích thư viện còn nhỏ, mà diện tích kho thì không thay đổi, trong khi đó tài liệu luôn được bổ sung thêm. Vì vậy, thư viện nên mạnh dạn thanh lý các tài liệu không còn giá trị để tiết kiệm diện tích kho.
Thư viện đang tiến hành mở dịch vụ tìm tin và cũng đang được nhiều người đồng tình và ủng hộ.
Việc số hóa, in ấn tài liệu cũng được thư viện chú trọng và ngày một nâng cao. Tuy nhiên, việc còn một máy photocopy chưa đưa vào sử dụng lại là một sự lãng phí.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tiếp nhận thông tin về tài liệu không hề dễ dàng đối với cán bộ thư viện. Cần có sự tính toán để tránh được việc bổ sung tài liệu một cách đại trà. Ngoài vốn tài liệu truyền thống còn xuất hiện các dạng vật mang tin khác như: CD – ROM, đĩa compact, đĩa mềm, video, … kèm theo đó là các thiết bị ghi, đọc, ghi nhận và truyền thông tin…
Việc tăng cường trang thiết bị hiện đại là một yêu cầu bức thiết và cần thiết đối với một thư viện đại học nói chung và thư viện Đại học Mỹ Thuật nói riêng. Nhưng đây cũng là thách thức đối với cán bộ thư viện vì trụ sở của thư viện không có nhiều không gian như một vài thư viện được xây dựng trụ sở riêng biệt khác.
4. Nâng cao hiệu quả sử dụng trang thiết bị
a. Nâng cao trình độ người sử dụng:
* Đối với cán bộ thư viện:
- Thường xuyên tự học hỏi, nâng cao sức tìm tòi và sáng tạo về nhiều mặt.
- Tăng cường thêm các nhân viên có trình độ chuyên môn về nghiệp vụ thư viện, công nghệ thông tin, quản trị mạng, ngoại ngữ để việc xử lý tài liệu được nhanh chóng và chính xác, hiệu quả hơn.
- Huấn luyện về kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho cán bộ thư viện.
- Cần có kiến thức tối thiểu về các trang thiết bị mà mình sử dụng, để có thể sử dụng tốt và biết bảo quản trang thiết bị tốt nhất.
- Trang bị kiến thức về sự vận hành và cách sửa chữa các trang thiết bị.
* Đối với bạn đọc:
- Phổ biến cho người dùng nắm bắt nội quy của thư viện, có các biện phạt chính đáng để nâng cao ý thức của người dùng.
- Hướng dẫn, tập huấn cho người dùng cách tra cứu trên máy vi tính.
- Giáo dục ý thức sử dụng tài liệu và trang thiết bị thư viện cho người dùng.
b. Nâng cao năng lực quản lý
Cán bộ quản lý phải nắm vững chuyên môn cao để có thể quản lý và khai thác các công năng, vận hành của các trang thiết bị.
Thường xuyên giám sát, kiểm tra, và đánh giá công việc.
Để tránh việc “cha chung không ai khóc”, cán bộ quản lý cần:
- Giao cho các cán bộ có chuyên môn trực tiếp quản lý các trang thiết bị về xử lý kỹ thuật.
- Yêu cầu các cá nhân phải quản lý và chịu trách nhiệm khu vực mình làm.
Cán bộ quản lý thư viện cần có nhiều phương cách quản lý về nghiệp vụ thư viện. Có nhiều chiến lược khuyến khích người dùng đến với thư viện như: có quà tặng, hay khen thưởng cho bạn đọc sử dụng nhiều tài liệu nhất trong năm, huy động những ý kiến đóng góp thiết thực cho hoạt động thư viện… từ phía người dùng.

KẾT LUẬN

Thư viện trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh là một thư viện có cơ sở vật chất khá khang trang với các định hướng đầu tư về trang thiết bị một cách khoa học, và ứng dụng phần mềm ứng dụng trong quản lý thư viện. Hiện nay, thư viện đang đề ra phương hướng nâng cấp về trụ sở, các phòng chức năng và trong tương lai gần, chắc chắn thư viện Đại học Mỹ Thuật sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phát triển thành một thư viện hiện đại thu hút người dùng không chỉ trong phạm vi trong trường. Mặc dù vậy, thư viện cũng cần bảo đảm về nguồn tài chính, bảo đảm trong việc lựa chọn trang thiết bị và bảo đảm về một đội ngũ nhân viên có năng lực làm chủ về mọi mặt.
Đội ngũ cán bộ thư viện, trẻ, khỏe, năng động, được đào tào đúng chuyên ngành và có năng lực làm chủ các trang thiết bị hiện đại, đây là lợi thế và điều kiện để thư viện phát triển.
Hiện nay, được sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, thư viện trường Mỹ Thuật đang dần hoàn thiện mọi mặt về trụ sở, trang thiết bị. Nhiệm vụ của thư viện là tuyển chọn và bổ sung các loại tài liệu phù hợp với chương trình đào tạo của trường, bảo quản và khai thác các nguồn tin tìm được, từ đó tổ chức phổ biến thông tin.
Mặc dù còn khó khăn về trụ sở nhưng với sự tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, cũng với năng lực làm việc của các cán bộ, nhưng thư viện Đại học Mỹ Thuật sẽ không vì điều đó mà ngừng phát triển.

Không có nhận xét nào: